Ấn Độ nổi tiếng là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại và là nơi khai sinh ra các tôn giáo lớn trên thế giới. Nền văn hoá, phong tục tập quán đa dạng, đặc sắc của miền đất Phật này luôn thôi thúc con người ta tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Một trong những nét văn hoá nổi bật tượng trưng cho con người Ấn là nghệ thuật vẽ henna. Vậy vẽ henna Ấn Độ có gì độc đáo, hãy cùng xem bài viết sau nhé.
Table of Contents
Nghệ thuật vẽ henna Ấn Độ
Nguồn gốc
Ra đời vào khoảng thế kỷ 12, nghệ thuật vẽ henna đã tồn tại được gần 900 năm và là một môn nghệ thuật phổ biến khắp thế giới, nhưng nó phát triển đặc biệt mạnh mẽ ở khu vực Trung Đông và Ấn Độ. Theo sử sách, những người Hồi giáo của Ả Rập đã truyền bá nghệ thuật vẽ henna ở Ấn và môn nghệ thuật này đã trở thành một nét đặc trưng văn hoá riêng cực kỳ độc đáo, không lẫn vào đâu được.
Nguyên liệu
Màu vẽ henna được làm từ lá khô của cây lá móng, người ta nghiền nhuyễn chúng rồi thêm một số nguyên liệu tự nhiên khác là được thành phẩm – một loại màu vẽ cực kỳ an toàn với da con người. Ngày nay, người ta còn làm những loại mực vẽ henna từ phẩm màu, hoá chất hay các chất phụ gia. Vì vậy, màu henna cũng đa dạng hơn, ngoài màu nâu đỏ tự nhiên thì còn có màu đen, màu trắng,…
Khi vẽ, người ta cho màu vào các gói hình nón như túi đựng kem để trang trí bánh, vừa vẽ họ vừa bóp cho màu chảy ra theo những đường hoa văn, hoạ tiết. Vẽ xong ta thấy hình vẽ có màu đen, nhưng đợi khi màu khô lại, nó sẽ thành màu nâu đỏ. Và chỉ duy nhất một màu nâu đỏ là màu của mực vẽ henna làm từ tự nhiên, các màu khác thì không phải.
Để vẽ hoạ tiết cho một bàn tay, có khi người vẽ mất cả một tiếng đồng hồ mới vẽ xong. Bước vẽ hoàn thành rồi còn phải chờ cho màu khô và ngấm vào da, tuỳ diện tích vẽ lớn hay nhỏ mà thời gian màu khô sẽ nhanh hay chậm, có khi qua 3-4 tiếng màu mới hoàn toàn khô. Nếu bạn có ý định vẽ henna thì tốt nhất nên đi vào buổi tối, ngủ qua một đêm thì màu vẽ cũng đã khô, lại còn lên màu cực kỳ đẹp. Một khi vẽ henna, hình vẽ ấy sẽ giữ nguyên màu trong tuần đầu tiên từ thời điểm bạn vẽ và màu tự nhạt dần theo thời gian
Người ta vẽ henna vào dịp nào?
Vẽ henna là một kiểu trang điểm đặc trưng của người Ấn. Vào các dịp lễ hội, phụ nữ (kể cả những cô gái chưa lập gia đình) đều vẽ henna để làm đẹp.
Khi kết hôn, các cô dâu bắt buộc phải vẽ henna, bởi vì những hình vẽ đó tượng trưng cho một tình yêu chung thuỷ và ước mong vào một cuộc hôn nhân bền vững, lâu dài.
Thường thì phụ nữ là người hay vẽ henna hơn, nhưng đàn ông cũng sẽ vẽ henna vào các dịp đặc biệt hay các nghi thức quan trọng.
Ý nghĩa
Ngoài công dụng làm đẹp ra, ý nghĩa đằng sau việc vẽ henna còn hơn thế nữa.Vẽ henna từ màu làm từ lá móng hoàn toàn tự nhiên sẽ giúp làm mát, giảm căng thẳng cho cơ thể.
Chẳng những vậy, trong nghệ thuật vẽ henna Ấn Độ, có vô vàn hoạ tiết, hoa văn khác nhau, mỗi một hoạ tiết, hoa văn lại có một ý nghĩa riêng biệt. Những hoa văn, hoạ tiết ấy đã gửi gắm những lời chúc phúc tốt đẹp đến người sở hữu chúng.
Tượng trưng cho sự tinh khiết, sự thức tỉnh tâm hồn, ngây thơ và sáng tạo là hình hoa sen nở. Người ta vẽ những hoạ tiết paisley để cầu mong may mắn và sự ban phúc về khả năng sinh sản. Trong khi đó, vẽ mặt trời lại có ý nghĩa nguyện ước một tình yêu sâu đậm và bền vững,… Có thể nói, hoạ tiết nào trong nghệ thuật vẽ henna Ấn Độ cũng đều mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc cả.
Lưu ý
Bạn nên chọn những cửa hàng vẽ henna Ấn Độ uy tín vì chỉ những cửa hàng đó mới sử dụng màu vẽ henna làm hoàn toàn từ tự nhiên, những nơi khác có thể dùng màu có thêm các hoá chất độc hại hay các phụ gia gây kích ứng làm da bạn bị bỏng rát, dị ứng nghiêm trọng.
Nếu muốn thử vẽ henna một lần, bạn không nên vẽ ngay thật nhiều hoa văn, hoạ tiết mà nên thử vẽ những hoạ tiết nhỏ trước, để phòng trường hợp da bạn bị kích ứng vì một trong số thành phần làm màu vẽ.
Vẽ henna ở lòng bàn tay và gan bàn chân sẽ lưu lại màu mực lâu nhất so với các vùng da khác.
Có rất nhiều cách để giữ hình vẽ henna lâu phai. Sau khi vẽ xong, bạn có thể xông hơi hoặc làm ẩm vùng da được vẽ, hoặc khi những hoạ tiết khô hẳn, lấy nước cốt chanh và đường pha thành hỗn hợp sệt sệt rồi bôi lên da, màu sẽ lên đậm và lâu phai hơn. Ở Nam Á, người ta còn sử dụng tinh dầu trà trộn oải hương và bạch đàn như một biện pháp để lưu lại hình vẽ henna trong thời gian dài hơn bình thường.
Sau khi vẽ henna, trong vòng một ngày, bạn không nên dùng xà phòng để rửa vùng da đã vẽ. Khi tắm, bạn có thể bôi lên chỗ vẽ một lớp dầu ăn hay baby oil để tránh xà phòng làm phai màu mực.
Nếu muốn hình henna nhanh phai hơn? Chỉ cần bạn chà kỹ vùng da được vẽ bằng xà phòng hay nước rửa tay là được.
Qua bài viết, hy vọng các bạn đã biết thêm nhiều thông tin về môn nghệ thuật nổi danh – vẽ henna Ấn Độ. Nếu có nhu cầu làm visa để du lịch khắp thế giới, đừng chần chừ mà hãy liên hệ ngay với tổng đài 1900 6859 để được Liên Đại Dương hỗ trợ, tư vấn nhiệt tình nhé!