Hàng năm, có tới gần 12 triệu đám cưới diễn ra tại Ấn, có thể nói, người ta tiết kiệm của cải cả đời cũng chỉ để tổ chức một đám cưới thật hoành tráng và xa hoa. Một đám cưới ở Ấn kéo dài ít nhất là 3 ngày, có khi 5 thậm chí là 7 ngày, thời gian diễn ra hôn lễ cực kỳ dài. Chẳng những vậy, có vô số nghi lễ cần thực hiện theo phong tục kết hôn ở Ấn Độ. Vậy những nghi thức đó là gì, cùng tham khảo bài viết sau nhé.
Phong tục kết hôn ở Ấn Độ
Lễ Misri (lễ trao nhẫn) là nghi lễ đầu tiên trong một đám cưới truyền thống của người Ấn. Lễ này được tổ chức trước đám cưới vài ngày. Bước đầu tiên, sẽ có 7 người phụ nữ đã lập gia đình đến và dùng bột đỏ vẽ những dấu hiệu của vị thần Ganesha lên một chiếc bát làm bằng đá có đựng đường trong đó.
Cô dâu, chú rể và gia đình hai bên cùng cầu nguyện, sau đó đôi vợ chồng sắp cưới sẽ trao cho nhau vòng hoa và nhẫn cưới làm bằng vàng trước sự chứng kiến của người làm lễ và mọi người trong gia đình. Gia đình nhà trai sẽ trao cho cô dâu một giỏ hoa quả và những món quà khác. Cô dâu sẽ lấy hoa quả từ giỏ ấy bỏ vào bát đựng đường đã vẽ dấu hiệu của thần. Việc làm này có ý nghĩa như một lời đính ước giữa hai bên và cầu mong vào cuộc sống ngọt ngào sắp tới.
Cô dâu Ấn còn phải thực hiện một số nghi lễ khác trước khi đám cưới chính thức diễn ra. Theo phong tục kết hôn ở Ấn Độ, trước khi lấy chồng, cô gái sẽ in dấu bàn tay mình lên một tờ giấy. Tờ giấy này sẽ được treo trong nhà mẹ đẻ cô dâu một năm đầu sau khi cô về nhà chồng như một vật để đánh dấu sự kiện trọng đại này và nhắc mọi người nhớ đến cô ấy.
Sau khi cô dâu được chúc phúc, cậu cô sẽ thực hiện nghi thức dẫm nát tất cả đồ vật mà cô từng sử dụng rồi bế cô vào nhà. Ý nghĩa đằng sau nghi thức này là thể hiện sự yêu thương của gia đình và lời chúc mong cô gái luôn được hạnh phúc, may mắn trong cuộc sống hôn nhân sắp tới.
Nghi lễ tiếp theo diễn ra vào một ngày trước đám cưới, trong buổi trà chiều (chỉ có sự tham gia của phụ nữ, đàn ông không được phép có mặt), lễ này có tên là Mehendi. Cô dâu sẽ được vẽ henna (một loại trang điểm đặc trưng của Ấn Độ) lên tay và chân để cầu phúc và đánh dấu việc mình là người đã lập gia đình. Diễn ra cùng thời điểm với lễ Mehendi là lễ Sagri, lúc nhà trai mang hoa và quà tới nhà gái.
Vào ngày này còn diễn ra nghi thức Nav-Graha Puja tại gia đình hai bên. Người làm lễ cầu nguyện với các vị thần thánh của 9 hành tinh, cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với đôi trẻ. Tiếp đó là lễ Grahi Puja, thầy cúng sẽ mời khách với gạo, hạt dẻ, dừa, gia vị,.. để thể hiện sự thịnh vượng.
Sau khi mặc đồ cưới cho con, cả hai bà mẹ sẽ đội một bình nước tới nhà thông gia. Tới nơi, họ sẽ chém vỡ bình nước nhằm xua tan tà khí rồi tặng cho thông gia hoa và tiền. Trong khi đó, đôi vợ chồng sắp cưới sẽ mặc đồ cũ trên người. Bộ quần áo họ mặc sẽ bị mọi người trong gia đình xé, đánh dấu sự kết thúc của cuộc sống độc thân cũ, bước vào cuộc sống hôn nhân mới. Cuối cùng, kết thúc tất cả nghi lễ trước ngày cưới bằng lễ Sangeet, khi mọi người ăn uống và múa hát thoả thuê.
Vào ngày thành hôn, cô dâu sẽ thực hiện một số nghi thức trước khi nhà trai đến đón dâu. Bắt đầu những nghi lễ ấy là lễ Haldi, cô dâu được tắm bằng củ nghệ và ba cô sẽ gội đầu cho con gái bằng cách rắc phô mai lên mái tóc của cô, đây được xem như là lời chúc phúc, mong con gặp nhiều may mắn của ba cô ấy. Nghi lễ Swagatam là lễ mặc sari cưới do những họ hàng nhà gái hỗ trợ mặc. Tiếp đó là nghi thức Kala, nghi thức này do cậu cô dâu thực hiện. Cậu cô dâu sẽ đeo cho cô hai bộ vòng và hai cái kala (kala là loại trang sức được thiết kế giống như chuông gió nhưng cầu kỳ và đẹp hơn). Trong suốt quá trình nghi thức kala diễn ra, cô dâu phải nhắm mắt để giữ may mắn. Đến khi nào cậu cô đeo vòng xong, dùng vải bọc chúng lại thì cô mới được phép mở mắt.
Theo phong tục kết hôn ở Ấn Độ, chú rể sẽ cưỡi một con ngựa cái màu trắng đến đón dâu. Khi đến nhà cô dâu, chú rể hoàn thành nghi thức tế thần và bày tỏ sự thành khẩn, quyết tâm muốn sống trọn đời với cô dâu. Chú rể phải rửa chân bằng sữa và nước mới được bước chân nhẹ nhàng vào nhà gái.
Sau khi tiến vào nơi làm lễ thành hôn, mẹ cô dâu sẽ thoa một chấm đỏ lên trán chàng trai. Chú rể sau đó được đưa cho một trái dừa, ăn một miếng bánh gạo và đeo vòng hoa vào cổ.
Trước khi ra làm lễ, cô dâu sẽ đội một tấm khăn voan lên đầu, tấm khăn này đại diện cho sự bảo bọc của người thân trong gia đình dành cho cô. Sau khi trao quà cho ba vợ, ba vợ lúc này mới dắt con gái ra, dẫn đến bên cạnh chàng rể.
Tiếp theo, cô dâu sẽ cầm gạo và ném vào lửa để mối quan hệ vợ chồng được chính thức công nhận. Cô sẽ đi 4 vòng quanh ngọn lửa này, vừa đi cô vừa sờ vào một hòn đá sau mỗi vòng, ngụ ý cô sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn sẽ gặp phải trong tương lai. Khăn của chú rể và vạt áo sari của cô dâu được buộc lại cùng nhau, họ sẽ tiếp tục thực hiện một vài nghi lễ nữa. Kết thúc phần lễ sẽ chuyển sang phần hội, lúc mọi người cùng ăn uống, nhảy múa để mừng cho đôi uyên ương nên vợ nên chồng.
Các bạn có thể thấy, muốn tổ chức một đám cưới ở Ấn Độ rất tốn kém và có cực kỳ nhiều nghi lễ phức tạp. Điều đặc biệt đáng nhắc tới là toàn bộ chi phí đám cưới, trang sức cô dâu đều do nhà gái chi trả. Hy vọng qua bài viết, các bạn đã có thêm nhiều thông tin thú vị về phong tục kết hôn ở Ấn Độ!